Phát triển hệ thống cây xanh thành phố Hoa Lư, Ninh Bình ứng phó với xu hướng gia tăng nhiệt đô thị


Giới thiệu
Sự gia tăng nhiệt độ đô thị đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Hiện tượng đảo nhiệt đô thị, do mật độ xây dựng cao và thiếu không gian xanh, không chỉ làm gia tăng nhiệt độ môi trường mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và chất lượng sống. Trong đó, cây xanh đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa vi khí hậu, giảm nhiệt độ bề mặt và cải thiện môi trường sống thông qua cơ chế che bóng, bốc hơi nước và hấp thụ bức xạ nhiệt.
Thành phố Hoa Lư, giàu tiềm năng du lịch và di sản văn hóa, cũng đang đối mặt với áp lực phát triển, mở rộng diện tích xây dựng ở khu vực trung tâm đô thị Ninh Bình, dẫn đến suy giảm diện tích cây xanh. Sự phát triển nhanh chóng của các khu đô thị, công trình du lịch và hạ tầng giao thông đã làm thay đổi đáng kể cảnh quan và vi khí hậu địa phương. Do đó, việc quy hoạch và phát triển không gian xanh một cách bài bản, khoa học là điều cần thiết nhằm giảm thiểu tác động của quá trình đô thị hóa, đồng thời nâng cao chất lượng môi trường sống ở trung tâm đô thị, kết nối hài hoà với trung tâm di sản thiên nhiên, văn hoá Tràng An – Bái Đính.
Vai trò của cây xanh ứng phó với xu hướng giảm nhiệt đô thị trên thế giới Trên toàn cầu, các đô thị đang đối mặt với thách thức ngày càng lớn từ hiện tượng đảo nhiệt đô thị (Urban Heat Island – UHI), gây ra bởi mật độ xây dựng cao, bề mặt hấp thụ nhiệt lớn và thiếu hụt không gian xanh. Sự gia tăng không kiểm soát của các bề mặt bê tông, nhựa đường và kính trong môi trường đô thị khiến nhiệt độ không khí và bề mặt tăng cao đáng kể so với các khu vực nông thôn lân cận, đặc biệt vào ban đêm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm gia tăng nguy cơ sốc nhiệt, bệnh hô hấp và tim mạch, mà còn tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ năng lượng khi các hệ thống làm mát phải hoạt động với cường độ cao hơn. [1]

Hình 1: Hình ảnh từ máy ảnh nhiệt Royal Parade đối diện Chợ Queen Victoria ở Melbourne. Ảnh: Thành phố Melbourne [1]

Bên cạnh đo, tình trạng nhiệt đô thị còn góp phần làm trầm trọng thêm các hiện tượng khí hậu cực đoan, như sóng nhiệt và hạn hán kéo dài, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái đô thị và làm suy giảm chất lượng không khí. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những khu vực có tỷ lệ cây xanh thấp thường ghi nhận mức nhiệt độ cao hơn đáng kể so với các khu vực có mật độ cây xanh dày đặc. Vì vậy, nhiều đô thị trên thế giới đang tích cực triển khai các chiến lược quy hoạch và cải thiện không gian xanh nhằm giảm thiểu tác động của UHI. Các giải pháp bao gồm gia tăng diện tích cây xanh công cộng, phát triển công viên đô thị, trồng cây dọc các tuyến phố, sử dụng mái xanh, mặt đứng xanh và ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý cây xanh đô thị [2]. Những sáng kiến này không chỉ giúp làm mát môi trường đô thị một cách tự nhiên mà còn mang lại nhiều lợi ích dài hạn, bao gồm cải thiện chất lượng không khí, tăng khả năng hấp thụ nước mưa, giảm thiểu nguy cơ ngập lụt và tạo không gian sống chất lượng hơn cho cư dân. Việc kết hợp hài hòa giữa phát triển hạ tầng và không gian xanh chính là chìa khóa để xây dựng các đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng. [3] Các nghiên cứu cho thấy rằng cây xanh có khả năng làm giảm nhiệt độ không khí từ 2- 4°C thông qua quá trình che bóng, bốc hơi nước và điều hòa nhiệt độ bề mặt [4]. Nhiều đô thị trên thế giới đã triển khai những chương trình mở rộng không gian xanh nhằm ứng phó với tình trạng nóng lên. Ví dụ, Singapore đã phát triển mô hình “Thành phố trong vườn” với hệ
thống cây xanh dày đặc và công viên trên cao để giảm nhiệt đô thị [5]. Tại New York, chương trình “Million Trees NYC” đã giúp trồng thêm một triệu cây xanh, cải thiện chất lượng không khí và giảm tác động của UHI [6]. Tương tự, Tokyo đã khuyến khích phát triển mái xanh và tường xanh để giảm nhiệt độ bề mặt công trình [7]. Bên cạnh các đô thị phát triển, nhiều thành phố tại các nước đang phát triển cũng đang áp dụng chiến lược xanh hóa để giảm nhiệt độ đô thị. Ở Mexico City, các công trình xanh được tích hợp vào hệ thống giao thông, giúp điều hòa vi khí hậu [8]. Tại các thành phố lớn ở Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải, chính quyền đã ban hành các chính sách quy hoạch cây xanh đô thị nhằm giảm ô nhiễm nhiệt và cải thiện chất lượng sống. Những kinh nghiệm trên cho thấy cây xanh đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nhiệt đô thị và nâng cao sức chống chịu của các thành phố trước biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để phát huy tối đa hiệu quả của cây xanh, các đô thị cần có chiến lược quy hoạch hợp lý, kết hợp với các giải pháp công nghệ và quản lý bền vững.
Định hướng phát triển cây xanh đô thị tại thành phố Hoa Lư
Thành phố Hoa Lư được thành lập trên cơ sở sát nhập huyện Hoa Lư và Thành phố Ninh Bình [9], trên tổng diện tích đất tự nhiên 150,24 km2 với quy mô dân số khoảng 238.209 người [9]. Thành phố mới được định hướng phát triển thành một “Đô thị di sản thiên niên kỷ” độc đáo và tiêu biểu trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, là trung tâm công nghiệp văn
hoá, với giá trị bản sắc nghìn năm của khu vực [10]. Việc phát triển mô hình đô thị hiện đại, xanh và thông minh, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa và thiên nhiên đặc trưng của Ninh Bình là mục tiêu chiến lược của chính quyền và người dân thành phố. 

Hình 2: Bản đồ quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng theo giai đoạn quy hoạch [11] Theo điều chỉnh quy hoạch thành phố [11], cấu trúc không gian thành phố Hoa Lư phân chia thành 2 vùng rõ rệt với tính chất và điều kiện phát triển đặc trưng (Hình 2). Khu vực đô thị hoá mạnh nằm về phía đông, chủ yếu thuộc thành phố Ninh Bình hiện hữu. Đây là đô thị trung tâm, phát triển tập trung, với các chức năng trung tâm hành chính – chính trị, văn hóa cấp Tỉnh, trung tâm tổng hợp của thành phố. Khu vực không gian xanh, di tích, văn hoá lịch sử nằm ở về phía tây gồm quần thể danh thắng Tràng An, Bái Đính, Bến Đang thuộc huyện HoaLư, một phần các huyện nằm kề cận thành phố. Với đặc điểm phân bố không gian theo quy hoạch, xét trên quy mô tổng thể, thành phố Hoa Lư trong tương lai có thể ít chịu tác động bởi vấn đề tăng nhiệt đô thị. Tuy vậy, khu vực đô thị trung tâm Ninh Bình vẫn có thể đối mặt với hiện tượng đảo nhiệt đô thị, khi mà diện tích đất xây dựng đạt tới 6.400 – 7.000 ha/ diên tích tư nhiên khoảng 9.274 ha.
“Quy hoạch xây dựng và phát triển hệ thống cây xanh đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được phê duyệt theo Quyết định số 1144/QĐ-UBND do Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành ngày 6 tháng 9 năm 2018 [12], che phủ trên toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, cùng một số xã. Đối tượng bao gồm cây xanh công viên đô thị, cây xanh đường phố (đường chính đô thị), cây xanh ven sông, mặt nước.
Theo quyết định này, các chỉ tiêu quy hoạch cây xanh thành phố đến năm 2030 được đề xuất đảm bảo yêu cầu của đô thị loại I. Cụ thể, cây xanh công viên đô thị là 15m2/người; cây xanh công viên, vườn hoa đơn vị ở là 4,75 m2/người; và cây xanh đường phố là 2m2/người [12]. Các chỉ tiêu diện tích cây xanh này được xem là có mức độ phù hợp. Tuy vậy, đất cây
xanh vẫn cần đảm bảo phân bổ phù hợp trong không gian đô thị, cây xanh trồng đúng vị trí, đặc biệt ở những khu vực chịu ảnh hưởng lớn từ hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, như các khu dự án phát triển mới, khu đô thị trung tâm. Đối với cây xanh đường phố, chỉ tiêu diện tích 2m2 có thể cần nghiên cứu bổ sung để đáp ứng yêu cầu che bóng hiệu quả trong bối cảnh nhiệt độ đô thị ngày càng tăng.


Quan điểm phát triển hệ thống cây xanh cũng chỉ ra một hướng đi đúng đắn trong việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và tăng cường hiệu quả điều hòa khí hậu từ cây xanh. Các loại cây xanh được yêu cầu lựa chọn phù hợp với khu vực quy hoạch, và với các chủng loại đặc thù của địa phương, bao gồm khu cây xanh công cộng như công viên, vườn hoa, quảng tường, cây xanh đường phố, cây xanh ven tuyến sông hồ mặt nước, cây xanh trong đơn vị ở. Quan điểm phát triển hệ thống cây xanh theo tầng bậc gồm cấp vùng, cấp tỉnh, cấp đô thị và cấp đơn vị ở, kết nối bởi cây xanh đường phố. Mô hình đô thị Ninh Bình theo dạng thành phố vườn, mạng lưới cây xanh đến các nhóm ở, từng công trình kiến trúc cho đô thị, khuyến khích phát triển các giải pháp kiến trúc xanh, tạo không gian xanh trên tường rào mặt đứng công trình, mái
công trình. Hệ thống không gian xanh được sâu chuỗi, kết nối liên hoàn với khung không gian xanh đô thị. Riêng quần thể danh lam thắng cảnh Tràng An, mô hình công viên rừng, tạo môi trường phát triển đa dạng sinh học, với hệ thống cây xanh mặt nước tự nhiên. Nhìn chung các khu vực cây xanh đều có định hướng phát triển thành không gian công cộng đa chức năng, tạo bản sắc, đặc trưng của đô thị Ninh Bình, thiết kế cây xanh có tính thẩm mỹ cao. Đặc biệt khai thác hệ thông núi đá vôi hiện có trong không gian đô thị, kết hợp với các yếu tố mặt nước, cây xanh, không gian công cộng tạo nên cụm không gian mở trong các khu vực phát triển đô thị, tạo nên hình ảnh đặc trưng cho đô thị Ninh Bình. Việc duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên theo cách tiếp cận này có thể giúp giảm nhiệt độ đô thị một cách bền vững.
Đáng chú ý, quy hoạch cũng nhấn mạnh việc lựa chọn cây xanh trồng tại quảng trường, tại các khu vực cây xanh cần sử dụng cây xanh đại mộc, có thân cao, tán rộng đảm bảo che nắng cho khu vực, cây trung mộc và tiểu mộc có hoa tạo điểm nhấn cho cảnh quan kiến trúc đô thị. Đây là một định hướng quan trọng nhằm tạo bóng mát hiệu quả, giúp cải thiện vi khí
hậu đô thị, đồng thời vẫn đảm bảo yêu cầu thiết kế thẩm mỹ cho đô thị.
Với những lợi thế về không gian xanh, cảnh quan thiên nhiên, văn hoá đặc thù, hệ thống cây xanh đô thị của thành phố Hoa Lư, bên cạnh việc chú trọng các giải pháp kỹ thuật, quy hoạch không gian, thành phố cần quan tâm đến các giải pháp tổ chức quản lý khoa học, hiệu quả nhằm đảm bảo yêu cầu về ứng phó xu hướng tăng nhiệt trong tương lai.
Quản lý, quy hoạch tích hợp phát triển cây xanh nhằm tăng cường hiệu quả giảm nhiệt đô thị cho thành phố Ngày nay, quy hoạch và quản lý tích hợp, liên ngành, thường được nhắc đến như một cách tiếp cận chiến lược, nhằm đạt tới mục tiêu phát triển bền vững. Đối với công tác quản lý cây xanh, các tiếp cận tích hợp đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật, môi trường, công nghệ và quản lý xã hội. Cụ thể:
Thứ nhất, quy hoạch cây xanh phải được lồng ghép vào các chiến lược phát triển không gian đô thị, kết nối chặt chẽ với quy hoạch giao thông, thủy lợi, thoát nước và bảo tồn di sản. Việc xây dựng các “hành lang xanh” ven sông, dọc trục giao thông và khu dân cư không chỉ giúp giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị mà còn tăng cường tính bền vững của hệ sinh thái đô thị. Đồng thời, cần đảm bảo các chỉ tiêu cây xanh hợp lý cho từng khu vực, từ công viên đô thị, không gian công cộng đến cây xanh trong khuôn viên công trình, tạo ra mạng lưới không gian xanh đa tầng, giúp giảm nhiệt hiệu quả.


Thứ hai, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng là yếu tố then chốt trong quản lý hệ thống cây xanh. Chính quyền đô thị cần kết hợp chặt chẽ với các sở ngành như Xây dựng, Giao thông, Tài nguyên – Môi trường để đưa ra quy chuẩn cụ thể về cây xanh trong các dự án phát triển đô thị. Cơ sở dữ liệu GIS về cây xanh đô thị có thể hỗ trợ quản lý và giám sát mật độ cây xanh, từ đó đưa ra quyết định hợp lý về vị trí và chủng loại cây trồng nhằm tối ưu hóa khả năng
giảm nhiệt.
Thứ ba, ứng dụng công nghệ trong quy hoạch và quản lý cây xanh là xu hướng quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả theo dõi và điều chỉnh hệ thống cây xanh theo thời gian. Sử dụng bản đồ nhiệt đô thị kết hợp với dữ liệu vi khí hậu để xác định những khu vực có nguy cơ nhiệt cao, từ đó đề xuất giải pháp xanh hóa phù hợp. Đồng thời, mô hình hóa tác động của cây xanh đối với giảm nhiệt đô thị thông qua các công cụ mô phỏng sẽ giúp tối ưu hóa chiến lược quy hoạch.
Cuối cùng, để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả lâu dài, cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng và doanh nghiệp trong việc duy trì và phát triển cây xanh đô thị. Các chính sách khuyến khích như ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đầu tư vào không gian xanh, hay các phong trào trồng cây, bảo vệ cây xanh do người dân chủ động tham gia sẽ góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm chung trong việc xây dựng đô thị bền vững.
Công tác quản lý và quy hoạch phát triển cây xanh tại thành phố mới Hoa Lư theo cách tiếp cận tích hợp, liên ngành sẽ không chỉ giúp giảm nhiệt đô thị mà còn góp phần tạo ra môi trường sống chất lượng cao, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ thiên nhiên. Đây là hướng đi chiến lược nhằm xây dựng một thành phố Hoa Lư “Đô thị di sản thiên niên kỷ” theo mô hình xanh, thông minh và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai.
Tài liệu tham khảo

[1] ABHIJITH MAGAL L., 21 1 2023. [Online]. Available:
https://blog.sankalptaru.org/urban-heat-islands-and-the-role-of-trees-in-mitigating
them/. [Accessed 28 3 2025].
[2] “EPA: Guide to Reducing Heat Islands,” 2012. [Online]. Available:
https://www.epa.gov/. [Accessed 28 3 2025].
[3] “EPA: Reducing Urban Heat Islands: Compendium of Strategies Urban Heat Island
Basics,” 2017. [Online]. Available: https://www.epa.gov/sites/default/files/2017-
05/documents/reducing_urban_heat_islands_ch_1.pdf . [Accessed 28 3 2025].
[4] “Bộ khoa học và công nghệ, Cục thông tin và thống kê: Cây xanh làm giảm 12 độ C nhiệt
độ mặt đất của các đô thị,” NASTIS, 8 12 2021. [Online]. Available:
https://www.vista.gov.vn/. [Accessed 28 3 2025].
[5] “UN Environment: ‘A city in a garden’: Singapore’s journey to becoming a biodiversity
mode,” 30 7 2018. [Online]. Available: https://www.unep.org/. [Accessed 28 3 2025].
[6] Liquing Li, “Environmental goods provision and gentrification: Evidence from
MillionTreesNYC,”
Journal of Environmental Economics and Management, vol.
Volume 120, no. 102828, July 2023.

 

[7] “Vistafolia,” [Online]. Available: https://vistafolia.com/. [Accessed 28 3 2025].
[8] “ubm magazine,” [Online]. Available: https://www.ubm-development.com/. [Accessed
28 3 2025].
[9] UBTVQH15, Nghị quyết số 1318/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH về việc sắp xếp đơn vị
hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 – 2025 quyết nghị thành
lập thành phố Hoa Lư,
Ninh Bình, 1/1/2025.
[10] “Báo điện tử chính phủ,” 19 1 2025. [Online]. Available: Thành lập Thành phố Hoa Lư
trên cơ sở sáp nhập toàn bộ huyện Hoa Lư và Thành phố Ninh Bình:
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/. [Accessed 28 3 2025].
[11] UBND tỉnh – Sở Xây dựng, “Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Đô thị Ninh Bình đến
năm 2040,” Ninh Bình, 6/2024.
[12] UBND tỉnh Ninh Bình, “Quyết định 1144/2018/QĐ-UBND về Quy hoạch xây dựng và
phát triển hệ thống cây xanh đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050″,”
Ninh Binh, 6/9/2018.

Nguyễn Thị Thanh Mai
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *